Thông tin hoạt động của Sở ngành


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Hội nghị “Giải pháp phát triển cây sầu riêng với mã số vùng trồng”
Ngày đăng: 15/11/2022

Lượt xem:


Sáng 15/11, tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị “Giải pháp phát triển cây sầu riêng với mã số vùng trồng”. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố, đến dự.
Ký kết Hợp đồng bao tiêu sản phẩm sầu riêng giữa Hợp tác xã Tân Thới 1, huyện Phong Ðiền, thành phố Cần Thơ với Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa.

Năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt được thành tích kỷ lục với giá trị trên 48,6 tỷ USD. Trong đó, có 6 nhóm mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, cao su, rau quả, gạo.10 tháng đầu năm 2022, đã xuất khẩu nông sản đạt 44,9 tỷ USD. Mục tiêu đặt ra trong năm 2022 của ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ xuất khẩu đạt khoảng 50 tỷ USD. Tuy nhiên, nông sản chỉ có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu khi tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Trong đó, tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc, là những vấn đề cần đặc biệt chú trọng.

Hiện nay, yêu cầu về mã số vùng trồng của nông sản xuất khẩu là yêu cầu cần thiết, bắt buộc đối với những thị trường xuất khẩu khó tính. Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có quy định bắt buộc trái cây tươi từ các nước khác muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Đặc biệt, một số thị trường xuất khẩu trái cây vốn trước đây được xem là dễ tính như thị trường Trung Quốc cũng đã đặt ra yêu cầu trên.

Nhằm kịp thời hướng dẫn thực hiện cấp, quản lý mã số vùng trồng, ngày 19/8/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng; đồng thời công bố triển khai hệ thống thống tin và cơ sở dữ liệu, cấp, quản lý mã số vùng trồng. Cả nước hiện có 4.507 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố và 1.419 mã số cơ sở đóng gói.

Tại thành phố Cần Thơ, có hơn 23.500 ha cây ăn trái, với sản luợng đạt gần 170.000 tấn/năm, trong đó hiện có 2.500 ha diện tích trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Phong Điền với 2.150 ha. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tại thành phố Cần Thơ đã cấp 46 mã số cho 37 vùng trồng, với tổng diện tích hơn 600 ha và 7 mã số cho 5 cơ sở đóng gói để phục vụ các thị trường xuất khẩu: Mỹ, Úc, Trung Quốc...Con số này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của thành phố Cần Thơ. Song song với việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, cần thiết phải đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, kết hợp với truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Đây chính là tiền đề, cơ hội, điều kiện giúp nông sản, trái cây của Cần Thơ vươn ra thế giới

Kết quả thảo luận tại hội nghị các đại biểu tập trung phân tích thực trạng, giải pháp phát triển cây sầu riêng tại thành phố Cần Thơ; hướng dẫn thủ tục cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; quy trình xử lý sầu riêng ra hoa rải vụ; chính sách liên kết và bao tiêu sản phẩm sầu riêng; thiết lập hồ sơ mã số vùng trồng và những khó khăn trong quá trình thực hiện hồ sơ mã vùng trồng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi thảo luận trực tiếp với nông dân về các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, canh tác, bảo vệ thực vật, giải pháp phát triển bền vững đối với cây sầu riêng trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng việc tổ chức hội nghị “Giải pháp phát triển cây sầu riêng với mã số vùng trồng” là rất cần thiết nhằm góp phần tìm giải pháp phát triển bền vững cây sầu riêng, thúc đẩy xây dựng mã số vùng trồng gắn với tiêu thụ, thực hiện liên kết sản xuất. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cấp chính quyền, nhất là ngành chức năng tại địa phương cần quan tâm tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân, các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các cơ sở trong xây dựng mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, cần lưu ý đổi mới và nâng cao hiệu quả trong công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa các trường hợp vi phạm để bảo vệ uy tín, thương hiệu của trái cây Việt Nam. Ngoài ra, người nông dân, hộ sản xuất phải áp dụng, đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn trong trồng trọt ghi chép nhật ký, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản xuất chất lượng, an toàn và cần thiết phải bắt tay xây dựng mã số vùng trồng cho mặt hàng trái cây đặc sản của địa phương.

Nhân dịp này, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa đã ký Hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã sầu riêng Tân Thới 1, huyện Phong Ðiền, thành phố Cần Thơ. Ngoài việc bao tiêu sản phẩm, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa còn tham gia hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân xây dựng mã số vùng trồng, thực hiện sản xuất sầu riêng đạt các tiêu chuẩn, chất lượng để phát triển xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ lớn.


Phương Thảo


08bce229-f16a-4c17-87bf-cfe5f787a41b

Tiêu đề bài viết: Hội nghị “Giải pháp phát triển cây sầu riêng với mã số vùng trồng”. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Phương Thảo.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang