Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin toàn diện và chính xác về các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, đồng thời đánh giá hiệu quả của việc triển khai tín dụng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời gian qua. Nội dung hội thảo xoay quanh các vấn đề thực trạng và giải pháp nguồn vốn cho nông nghiệp - nông thôn tại Việt Nam, khả năng tiếp cận tín dụng từ góc nhìn doanh nghiệp và vai trò của tín dụng trong việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thách thức lớn đang cản trở việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ở ĐBSCL. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tài sản thế chấp, chi phí vốn cao, và rủi ro từ thiên tai và biến đổi khí hậu… đều là những vấn đề nổi cộm được đặt ra. Đặc biệt, các hạn chế trong các chính sách hiện hành như Nghị định 55/2015/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung cũng được nêu bật. Các đại biểu đề xuất một số giải pháp như cải tiến cơ chế bảo hiểm nông nghiệp, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, và thúc đẩy các gói tín dụng ưu đãi phù hợp hơn với thực tế. Một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh là tín dụng xanh - giải pháp giúp giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu và hỗ trợ sản xuất bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng về tự nhiên và con người, là vùng kinh tế trọng điểm và địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh,... của cả nước. Nơi đây chiếm tới 60% sản lượng lúa, 40% sản phẩm thủy sản. Ngoài tiềm năng của một trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, ĐBSCL còn cho thấy có tiềm năng về phát triển công nghiệp như công nghiệp chế biến nông, thủy, hải sản; đầu tư vào công nghệ cao nuôi trồng, canh tác, bảo quản nông, thủy, hải sản.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL hiện đang gặp nhiều khó khăn như rủi ro, thiên tai, biến đổi khí hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và manh mún, thiếu tài sản thế chấp, chi phí vốn cao, chưa có nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp, thiếu cơ chế bảo hiểm nông nghiệp…
Quang cảnh hội thảo
Theo ông Trần Việt Trường, việc tháo gỡ những khó khăn nhằm thúc đẩy tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu, góp phần đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững. Để ĐBSCL phát triển bền vững, không chỉ cần sự nỗ lực từ phía bà con nông dân, doanh nghiệp mà rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ phía Nhà nước, các tổ chức tín dụng và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bên liên quan. Việc thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản không chỉ là giải pháp tài chính, mà còn là cam kết dài hạn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ổn định đời sống người dân và nâng cao vị thế của nông sản ĐBSCL trên bản đồ thế giới.
Kim Xuyến