Đây là một trong những hành động cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc triển khai vận hành Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu cho phát triển Chính phủ điện tử; tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tài nguyên và môi trường, kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương.
Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL có khả năng tích hợp dữ liệu đa ngành (tài nguyên - môi trường, nông nghiệp, kinh tế - xã hội....), từng bước chuẩn hóa, khắc phục tình trạng thiếu hụt cơ sở dữ liệu, đồng bộ hóa các tài liệu thuộc khu vực ĐBSCL phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Trung tâm cũng là nơi cung cấp những thông tin khoa học, công nghệ tại ĐBSCL; đảm bảo cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về cơ sở dữ liệu đa ngành từ các báo cáo định kỳ, chuyên ngành, báo cáo tổng hợp phục vụ công tác tổng hợp và kinh kế bền vững cho vùng ĐBSCL.
Thành phần của trung tâm bao gồm: (1) Hạ tầng phần cứng - hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (Hệ thống máy chủ; hệ thống máy tính phục vụ nhân viên trung tâm; hệ thống mạng; hệ thống lưu trữ; hệ thống bảo mật; hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu tích hợp; phần mềm thương mại phục vụ vận hành các nghiệp vụ của trung tâm, trang thiết bị ngoại nghiệp); (2) Hệ thống phần mềm nội bộ phục vụ quản lý điều hành và hỗ trợ ra quyết định; nền tảng thu thập, cập nhật và quản lý dữ liệu, quản lý và dịch vụ dùng chung; nền tảng phân tích và khai phá dữ liệu; nền tảng kết nối; cổng thông tin công bố, khai thác thông tin dữ liệu; (3) Cơ sở dữ liệu với 3 nhóm dữ liệu chuyên ngành thuộc các lĩnh vực: tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và kinh tế - xã hội.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ.
Về cách thức hoạt động, các trạm quan trắc (được xây dựng theo các tiểu dự án) sẽ đồng thời truyền thông tin về các đơn vị thụ hưởng và về Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL để dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương. Nội dung và quy mô của dự án là thu thập dữ liệu; chuẩn hóa, tích hợp cơ sở dữ liệu; phân tích, thiết kế mô hình, thiết kế bản tin và báo cáo mẫu; mua và xây dựng phần mềm ứng dụng; xây dựng hành lang pháp lý, tuyên truyền; đào tạo chuyển giao công nghệ…
Trung tâm dữ liệu ra đời nhằm phục vụ người dân có được thông tin để chủ động trong sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác giúp nhà khoa học có thể đưa ra các giải pháp, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, hữu ích đối với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và hướng tới mục tiêu đưa ĐBSCL thành “đồng bằng thông minh” trong tương lai.
* Dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả hoàn thành hạng mục hạ tầng và hệ thống thông tin của Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia, nhà khoa học giới thiệu giải pháp tạo lập dữ liệu và ứng dụng nền tảng mô hình thủy động lực đối với bài toán quản lý tài nguyên nước trong việc chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) trên một số bài toán thực tế; năng lực xử lý của hạ tầng công nghệ thông tin và giới thiệu tính ứng dụng máy bay không người lái (UAV).
Thanh Xuân